Từ trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai), mất gần 2 tiếng đồng hồ để vượt qua quãng đường dài 20 km, đường nhỏ, hẹp với những con dốc quanh co, vắt vẻo lưng chừng núi, qua các xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, chúng tôi đến với Cao Sơn. Ở độ cao 1.400m so với mặt nước biển, Cao Sơn là nơi quanh năm mây mù bao phủ. Suốt chặng đường lên với Cao Sơn, một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút, nhiều lần xe phải đi trong màn sương trắng huyền ảo khiến những người dưới xuôi lên như chúng tôi phải nín thở vì… sợ.
Dulichgo
Dọc con đường về chợ phiên Cao Sơn, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những người dân tộc đang trên đường đến chợ, họ gùi trên lưng hay chở trên xe những sản vật của địa phương. Chợ phiên Cao Sơn là khu chợ của đồng bào dân tộc H’Mông, Phù Lá, Dao và Hán đen sinh sống xung quanh khu vực này. Chợ có từ lâu đời, được họp đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Không giống như các chợ phiên vùng cao khác, chợ Cao Sơn họp khá muộn, tầm 8-9 giờ sáng và tàn chợ vào khoảng 3h chiều.
Bên cạnh những sạp hàng bán đồ thổ cẩm, chợ Cao Sơn còn là nơi trao đổi, mua bán những vật dụng hằng ngày làm từ mây tre đan, đồ khảm bạc, đồ rèn đúc phục vụ cho đời sống, lao động của người dân nơi đây như gùi tre, lưỡi cày, dao quắm, chổi quét nhà… cũng như những sản vật của địa phương và các vùng lân cận như gà đen, rượu thuốc lào, mộc nhĩ, rượu ngô, rượu thóc, các loại củ quả như gừng, nghệ, ớt Mường Khương, thảo quả, mật ong..., những món ăn đặc trưng của vùng cao như thắng cố, phở làm từ nếp nương... hay những món quà vặt được bán ở khu ẩm thực.
Dulichgo
Những người dân ở đây cho chúng tôi biết, đêm trước ngày chúng tôi lên chợ phiên Cao Sơn ở đây trời mưa to, do đó chợ phiên không thật sự đông đúc như nó vốn có. Những ngày thường, đặc biệt, vào dịp tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ được thưởng thức thêm những món ăn hấp dẫn như xôi bảy màu, bánh chưng đen, bánh ngô, bánh khúc... và vô số các sản vật của địa phương. Nhưng có lẽ ai đã đến chợ Cao Sơn sẽ không quên được hình ảnh những sạp mía đầy ắp ngay từ đầu chợ. Được biết, mía là món ăn cực kỳ được yêu thích ở Cao Sơn. Loại mía Mường Khương có màu hồng tím, gióng dài, có vị ngọt đậm đà đặc trưng của vùng đất này. Hầu như ai đến chợ ít nhiều cũng phải mua một ít mía, thậm chí mua cả bó, vì thế khu vực này không lúc nào ngớt khách.
Dulichgo
Một người đàn ông dân tộc có vẻ bề ngoài hiền hậu thu hút sự chú ý của chúng tôi ngay khi nhìn thấy, ông Lùng Dín. Ông đến chợ với chỉ một thúng ớt cay, loại ớt đặc sản của đất Mường Khương, vị cay và thơm nồng chỉ ăn một lần là nhớ mãi.
Từ lâu, chợ Cao Sơn được biết đến bởi sự bình dị, gần gũi. Đến chợ, người ta không thấy có sự ồn ào, bon chen hay vội vã, không có cảnh mời chào, níu kéo du khách giống như những khu chợ vùng cao phần nào đã bị thương mại hóa. Cái chân chất, mộc mạc của người vùng cao được thể hiện trong nhịp sống của khu chợ này. Có lẽ chính vì thế chợ Cao Sơn được đánh giá là một trong những chợ phiên của huyện Mường Khương vẫn còn giữ được nét bản sắc độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách trong nước cũng như nhiều du khách nước ngoài.
Theo Hoài Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét