Trước hết là thịt lươn đồng, với những con lươn nhỏ như đậu đũa đã được tách hết xương, kho cho thật thấm đẫm gia vị. Kế đến là hành tăm và nghệ, hai loại gia vị không chỉ giúp làm giảm mùi tanh của lươn mà còn rất kích thích miệng ăn, điều đặc biệt làm nên nét đặc trưng của nồi lươn đồng kho.
Hấp dẫn nữa là nước luộc lươn cũng được tận dụng để nấu cháo cho có vị béo, vừa thơm mùi thịt lươn vừa có hương gạo tẻ ngào ngạt. Để nấu cháo phải dùng loại gạo tẻ còn nguyên hạt, ngâm cho mềm. Khi nước trong nồi sôi mới từ từ cho gạo vào, không quấy đảo, giữ lửa nhỏ để gạo không bị vón cục.
Dulichgo
Bí quyết để tô cháo thêm ngon là cho vào một ít gạo tám hoặc gạo nếp để cháo được dẻo, thơm. Cân đối lượng nước, gạo và thời gian ninh để khi múc cháo ra hạt gạo vừa nở bung, sánh, mềm, không bị loãng hoặc bị đặc.
Tô cháo bưng ra vẫn màu trắng tuyền, nhưng khi trộn đều lại được hòa tan bởi màu vàng cam của lươn kho. Nhìn thật ngon.
Xì xụp từng muỗng cháo với thịt lươn dai dai thơm thơm, săn chắc, không nát vụn, gạo tẻ ngọt bùi, vị cay cay của tiêu bột cùng hương vị của rau thơm hòa với chanh chua, chút mắm hay bột nêm thì không còn gì bằng.
Đặc biệt hơn, cháo lươn đồng ở đây còn được “phụ họa” bởi những miếng bánh đa (bánh tráng) bẻ nhỏ. Cái vị mềm của cháo, thơm dai của lươn, sực sực của hành thơm cắt nhỏ, thỉnh thoảng lại đụng miếng bánh đa giòn tan, hòa quyện thành tô cháo lươn đồng thật ngon.
Sau khi dừng chân, thắp những nén nhang nơi ngã ba Đồng Lộc, đọc những những dòng thơ vội của những cô du kích ra đi khi “chưa kịp gội đầu”, bạn hãy tạt ngang vào những quán cháo lươn đồng ven vùng Can Lộc thưởng thức món ăn lưu giữ hương vị đồng quê.
Dulichgo
Trong cái tiết trời lành lạnh như thế, bên tô cháo lươn đồng nghi ngút hơi nóng thơm lừng, dường như cái lạnh bị đẩy dạt ra xa. Tất cả, trở thành những dư âm và dư vị khó quên cho chuyến hành trình vội vàng của những người trẻ chúng tôi...
Theo Lê Đức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét