Mấy năm nay vào các ngày lễ hội, đường vào khu di tích Gò Tháp thường bị tắc nghẽn.
Du khách cho rằng “Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc là chị, còn Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp là em” nên kéo đến miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp chiêm bái rất đông. Miếu nằm trong quần thể khu di tích khảo cổ Gò Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), xung quanh có nhiều cây cổ thụ trăm năm xòe bóng mát, cao sừng sững.
Theo Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp thì miếu Bà Chúa Xứ được dựng lên vào khoảng năm 1914 trên nền gạch cổ ở đỉnh gò, nhưng sau đó bị hư hại do chiến tranh. Đến năm 1973, miếu được xây dựng lại cũng bằng gạch, nhưng quy mô nhỏ, chỉ chừng 50 m2.
Dulichgo
Năm 1984, khi các nhà khảo cổ tiến hành khai quật khu vực này thì ngôi miếu được dời qua phần đất bên cạnh, cách đó khoảng 40 m về hướng tây nam. Từ năm 1996, ngôi miếu được xây dựng với quy mô kiên cố như hiện giờ.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Bà Chúa Xứ (Chúa xứ Thánh mẫu) là thần chủ quản một địa phương nhỏ làm nghề trồng lúa. Vị nữ thần này truy nguyên có nguồn gốc từ Pô-Nagar, tức bà mẹ xứ sở của dân tộc Chăm, mà nguồn gốc xa hơn là nữ thần Uma của đạo Bà La Môn ở Ấn Độ, người Việt gọi là Ngung Mang nương hay thần tiền chủ, thường được tôn thờ ở những vùng đất mới khai hoang.
Dulichgo
Điểm đặc biệt, theo anh Võ Tấn Nghĩa (Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp) là ở miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp có thờ cúng Hai Bà Trưng và một người phụ nữ chuyên làm việc thiện, bố thí cho dân, người dân nhớ tới công đức nên đem vào thờ nhưng không ai còn nhớ tên họ. Việc phối tự Hai Bà Trưng có lẽ diễn ra sau năm 1954. Có ý kiến cho rằng lúc này Đồng Tháp Mười trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, kháng chiến của dân Nam bộ. Một vài tờ báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ phát động các cuộc thi thơ văn viết về Đồng Tháp Mười. Trí thức yêu nước cũng có những hoạt động hướng về Đồng Tháp Mười như một cách biểu thị ủng hộ thời 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Đền thờ thần Mặt trời
Di tích đền thờ thần Mặt trời Surya bắt đầu được khai quật từ năm 1984. Hiện nay khu di tích đã được xây dựng công trình mái che hình chóp rất thoáng và nổi bật với mái tôn màu đỏ. Cổng vào di tích được trang trí các phù điêu hình hoa sen cách điệu. Các bức bình phong chắn gió được đắp phù điêu tượng thần.
Anh Nghĩa cho biết trước khi khai quật, người ta phát hiện trên mặt đất gò Bà Chúa Xứ lộ ra nhiều viên gạch cổ và một số vật thờ cùng những bức tượng bể… được gom lại dưới gốc cây trước miếu thờ ông Tà. Sau khi khai quật đã phát lộ ra một công trình kiến trúc cỡ lớn được xây bằng gạch thẻ có kích thước khoảng 10 x 20 x 30 cm.
Trung tâm nền gạch có xếp hình tia mặt trời bằng 8 viên gạch. Ngoài ra, trong quá trình khai quật dưới độ sâu gần 1,4 m, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy 2 mảnh vàng, trong đó một mảnh có vòng tròn hình mặt trời và một mảnh có 8 tia hình mặt trời, vì vậy các nhà khảo cổ khẳng định đây chính là đền thờ thần Mặt trời Surya. Cũng tại khu vực này, trước đó người dân đã phát hiện được một tượng thần Surya bằng đá.
Cách miếu Bà Chúa Xứ khoảng hơn 100 m là một khu vực trũng thấp, đất nhiễm phèn nặng. Đìa sen, lung nước bao phủ xung quanh bởi cỏ năn, sậy đế và tràm. Anh Nghĩa cho biết vào khoảng năm 1978, khi người dân trong vùng đào đìa đã phát hiện được 10 pho tượng Phật bằng gỗ nên gọi là đìa Phật. Cũng trong khoảng thời gian này, người dân đào mở rộng đoạn lung cách đìa Phật chừng 500 m đã bắt gặp nhiều mảnh vàng mỏng, mạt vàng và một ít đồ trang sức bằng vàng, từ đó khu vực này có thêm địa danh là Đìa Phật - Đìa Vàng.
Đến tháng 4.2013, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM và Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp kết hợp khảo sát toàn bộ khu vực Đìa Phật - Đìa Vàng. Đợt này, các nhà khảo cổ tiến hành đào 4 hố khai quật và 9 hố thám sát, đã làm xuất lộ một phế tích kiến trúc cư trú bằng gạch với các kích cỡ khác nhau. Ngoài ra, còn có loại ngói phẳng dạng hình vuông mà các nhà chuyên môn cho rằng thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển.
Dulichgo
Cũng theo anh Nghĩa, đợt khai quật nói trên đã phát hiện số lượng hiện vật khá phong phú và đa dạng về chủng loại, bao gồm gạch ngói, đất nung, mảnh vàng, chuỗi thủy tinh và hơn 20 bức tượng gỗ và một số tượng đá. Đặc biệt là tại đìa Vàng đã phát hiện một tượng Phật bằng gỗ cao 123 cm rất giá trị bổ sung vào kho tàng hiện vật độc đáo ở khu di tích Gò Tháp Mười. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện các cọc gỗ có dấu vết gia công, cọc gỗ nhà sàn và nhận định đã từng có một giai đoạn khá dài cư dân cư trú.
Theo Hoàng Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét