728x90 AdSpace

MỚI NHẤT

7/6/16

Trà Sư - mùa không nước nổi

Chiếc vỏ lãi lướt trên đồng sen đưa du khách tới bến sông, nơi những chiếc xuồng ba lá đang chờ sẵn, tiếp tục hành trình mới chậm rãi "đi" trên "con đường" xanh mướt màu bèo non.

Cuộc dạo chơi trong rừng giữa rộn ràng tiếng chim, tiếng vạc. Thỉnh thoảng ngước nhìn, du khách sẽ thấy những con chim non trong tổ chồm ra như đón chào người khách lạ. Ở đó, du khách quên rằng mình đi giữa vùng hạn của xứ Bảy Núi đang nóng hừng hực…

Như bao vùng khác, mùa này xứ Bảy Núi An Giang đang nóng hực bởi nhiệt độ lên cao, nước trên kênh rạch xuống thấp. Xe đưa du khách đến trước khu du lịch Trà Sư. Bước ra khỏi ô tô, nắng như hơi nóng của chảo dầu phả vào mặt rát bỏng. Vậy mà chỉ vài phút đi bộ qua cây cầu sắt, không khí hoàn toàn thay đổi.

Tứ bề mênh mông là tràm. Tràm bạt ngàn một màu xanh. Bên dưới là nước ngả màu vàng như hổ phách. Rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang) mùa này vẫn mát rượi dù ngoài kia nhiệt độ có hôm lên trên 35 độ C.

Tại trạm tiếp đón, du khách có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để tận hưởng thú vui cưỡi xe đạp thăm rừng tràm. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 5-6 cây số. Phía trên là màu xanh của ngọn tràm, bên dưới mương nước thỉnh thoảng nghe tiếng cá vẫy đuôi tạo nên những âm thanh là lạ. Đến khi con kênh dài với dòng nước mát lành và dãy rừng tràm ngút ngàn ngăn ngắt màu xanh hiện ra trước mắt, du khách sẽ không đi bằng xe đạp được nữa mà phải dùng vỏ lãi, ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi giữa các con rạch, khám phá khu rừng.

Sau khi được sắp xếp yên vị trên chiếc vỏ lãi, du khách bắt đầu hành trình khám phá rừng tràm mênh mông nước, chẳng khác gì ở giữa mùa lũ dù đang trong vùng hạn. Đang bon bon lướt trên mặt nước, bất thình lình chiếc vỏ lãi giảm tốc độ, mũi rẽ vào nhánh phải. Trước mặt mênh mông là sen. Sen như bít lối đi. Chiếc vỏ lách uốn éo trên dòng nước cong queo đi ngang qua ruộng sen. Người lái vỏ giảm tốc độ để lướt chầm chậm cho khách ngắm cảnh, chụp ảnh. Thỉnh thoảng, anh chỉ về hướng những con chim, con cò đang "đi dạo" trên đám cỏ, đám bèo nổi bồng bềnh trên mặt nước. Có những con chim to, có khi là chim giang sen, đậu trên đọt cây tràm ngơ ngác nhìn chiếc vỏ đang lù lù tới gần rồi bất chợt bay vút vào rừng sâu. Mùa sen nở, đồng sen thêm mênh mông. Điểm xuyến trên nền xanh của lá và bèo là những bông hoa khoe sắc hồng nõn nà lắc lư trong gió. Dulichgo

Rừng tràm ngập nước đã tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và phong phú, lưu giữ nhiều giống, loài quý hiếm. Đây là rừng trẻ, tràm chỉ 10-15 năm tuổi, nên hệ sinh thái ở rừng tràm Trà Sư không phong phú bằng rừng U Minh Thượng hay U Minh Hạ vùng bán đảo Cà Mau. Nhưng với vùng khô hạn ở địa hình bán sơn địa Bảy Núi, rừng tràm là một hệ sinh thái độc đáo, hiếm có. Chỉ có khoảng 70 loài chim, nhưng có cả chim cổ rắn, chim điên điển và cò lạo Ấn Độ được ghi vào Sách Đỏ. Chưa kể 11 loài thú và nguồn cá phong phú cư trú và sinh sản quanh năm dưới cánh rừng này.

Tuyệt vời nhất là du ngoạn trên xuồng ba lá- loại phương tiện phổ biến của cư dân sông nước miền Tây. Du khách phương xa thích thú khi ngồi trên xuồng lướt nhẹ dưới tán rừng. Các cô gái áo bà ba xanh, khăn rằn quấn cổ và đội nón lá duyên dáng đưa khách vào vùng lõi, qua những sân chim.

Khu vực này là nơi cư ngụ của những đàn chim lớn nên không có một phương tiện cơ giới nào được vào. Ngay cả du khách cũng được dặn dò không gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của chim. Nhờ sự yên ắng đó mà du khách dễ dàng bắt gặp các loài chim đang đùa giỡn cách xuồng không xa lắm, những con chim cỡ to đang phơi mình trên nhánh tràm hay những chú chim non bước ra khỏi tổ đứng trên cành cao chấp chới tập bay. Các cô bơi xuồng cũng là hướng dẫn viên của rừng, rành rọt tên từng loài chim, bản năng sinh hoạt của chúng. Khi khách đang thưởng thức không gian xanh mát của rừng, các cô lại đưa mắt tìm các loài chim đang đi lại, sinh hoạt gần đó để giới thiệu cho khách.

Cánh rừng rộng 850 ha này được bao quanh bởi đê bao khép kín, giữ được nước mùa hạn và thu nhận nước khi có lũ về. Lũ về, rừng có thêm cá từ dòng Mekong về cư ngụ và sinh sản. Khi đó, số lượng chim đến cũng nhiều hơn. Nhiều đàn di trú từ nơi khác tới. Gần đây, một đàn dơi quạ, cùng loài với dơi sinh sống ở chùa Dơi (Sóc Trăng) rủ về đây cư ngụ, bổ sung vào danh mục loài cho hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư. Cuối hành trình, du khách được đưa lên một tháp canh để ngắm toàn cảnh rừng tràm và bao quát cả vùng Bảy Núi.
Dulichgo
Từ rừng tràm Trà Sư, chỉ cần di chuyển 10-20 cây số là tới các khu du lịch tâm linh nổi tiếng vùng An Giang, như: Núi Cấm, chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam, các thánh đường của đồng bào Chăm soi bóng dòng sông Hậu… Xa hơn một chút, khoảng 80 cây số là tới được biển Tây của Kiên Giang với những địa danh Hà Tiên, Kiên Lương nổi tiếng với Chùa Hang, Hòn Phụ Tử, Mũi Nai, Đá Dựng và cả những hòn đảo xa bờ được mệnh danh là Hạ Long phương Nam.

Kinh nghiệm du ngoạn rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư không khó đến, mở cửa quanh năm phục vụ du khách. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng thời gian ngắn nếu nước trong rừng rút mạnh, Ban quản lý có thể đóng cửa rừng đề phòng cháy rừng. Nhưng thời gian ấy không kéo dài và không phải năm nào cũng có.

Đường đi Trà Sư rất thuận lợi. Hằng ngày, có nhiều phương tiện công cộng di chuyển ngang. Từ TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ… đều có xe khách tới đây. Nếu di chuyển bằng xe gắn máy, ô tô tự lái hướng từ Châu Đốc vô, tới thị trấn Nhà Bàng là bắt đầu tỉnh lộ 948. Đi tới KM-06 là cầu Mương Tiền, rẽ trái khoảng 5 cây số là tới rừng.

Rừng nằm tại Km-06 trên đường tỉnh lộ 948 từ Tịnh Biên đi Tri Tôn. Xe gắn máy có thể chạy thẳng tới Ban quản lý rừng. Ô tô phải đậu bên ngoài, cách đó chưa đầy 1 cây số, rồi đi bộ hoặc tốn tiền xe ôm 10.000 đồng từ bãi xe vào rừng. Vé du lịch trọn gói ở đây là 60.000 đồng/ khách đối với đoàn 4 khách trở lên. Nếu đi một mình, giá vé là 130.000 đồng. Mỗi đoàn được bố trí phương tiện riêng, không đi chung để khách thoải mái tham quan tùy thích và tùy quỹ thời gian của mỗi đoàn.
Dulichgo
Tới cuối hành trình, dừng chân tại tháp canh, du khách có thể thưởng thức món nước uống độc đáo của người Khmer Bảy Núi là nước thốt nốt ngọt dịu, mát lạnh. Gần đó có quán phục vụ các món ăn dân dã được chế biến từ thủy sản nước ngọt (ốc nướng tiêu hoặc luộc, cá lóc nướng trui ăn kèm với lá sen non chấm nước mắm me hoặc mắm nêm, cá đồng chiên), gà thả vườn…

Tuyệt nhiên nơi đây không có các món chim cò như nơi khác. Bởi vì, tất cả các loài chim ở đây được bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt, không có tình trạng săn bắt, ăn thịt. Đây là điểm hay để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với khách du lịch, nhất là người trẻ. Với giá thực đơn 700.000 -1.000.000 đồng cho đoàn 8-10 khách, du khách đã có bữa ăn no ngon, đủ các món ăn dân dã miền sông nước.

Rừng tràm Trà Sư không có dịch vụ lưu trú. Khách muốn ngắm cò đi ăn về hay đón bình minh lên thì phải trở ra tỉnh lộ 948, ngược về hướng Nhà Bàng để lưu trú với giá khá mềm. Cao điểm, giá khoảng 100.000- 120.000 đồng/khách. Riêng mùa lũ, cánh đồng thốt nốt ngập nước ở đây là nơi săn ảnh của nhiều tay máy từ mọi miền đất nước. Mùa này, "săn" hoàng hôn và bình minh là tuyệt vời. Ngoài ra, đời sống sinh hoạt của người Khmer quanh rừng cũng là hành trình du lịch văn hóa đáng trải nghiệm.

Theo Miên Du
Trà Sư - mùa không nước nổi
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top