728x90 AdSpace

MỚI NHẤT

6/6/16

Núi Cô Tô – đồi Tức Dụp, huyền thoại và lịch sử

Những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, huyền ảo như cõi bồng lai. Ngay trên dãy Thất Sơn hùng vĩ, những ngôi chùa, ngôi miếu và những bức tượng Phật đã níu kéo bao khách hành hương về với chốn linh thiêng. Những vách đá cheo leo cùng với nhiều hang động còn chứa đựng những truyền thuyết kỳ bí như hư như thực và có cả những câu chuyện bi tráng lẫn kiêu hùng chống giặc ngoại xâm mãi mãi còn đọng lại trong lòng người…

Ai đã có dịp ghé thăm miền quê An Giang có lẽ ít nhất một lần nghe qua về ngọn núi Cô Tô huyền thoại, kỳ vỹ và đồi Tức Dụp – ngọn đồi lịch sử từng ghi dấu biết bao chiến công lẫy lừng của quân và dân An Giang.

Ngọn đồi huyền thoại

Cách thành phố Long Xuyên khoảng 59 km, núi Cô Tô nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, đứng sừng sững giữa bao la ruộng đồng của huyện Tri Tôn. Nhìn từ xa, ngọn núi như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông, bởi vậy núi Cô Tô còn được biết đến với tên gọi Phụng Hoàng Sơn.

Núi Cô Tô cao 614 m, có cấu tạo giống như một mâm trứng đá. Những khối đá to, nhỏ xếp chồng lên nhau, được người dân địa phương gọi là “lò ảng”, tạo nên một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Có nhiều truyền thuyết gắn với tên của ngọn núi này như truyền thuyết kể rằng: từ thuở xa xưa, khi trời đất còn tăm tối, đồng An Giang quá đỗi mênh mông nên các vị tiên ông rủ nhau từ núi Dài, núi Cấm khiêng từng phiến đá lớn chất chồng lên nhau, chất mãi, chất mãi đến gà gáy bình minh thì hình thành nên núi Cô Tô. Một số người lại nói rằng, do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên người ta gọi là núi Tô.

Ngọn đồi nhỏ Tức Dụp nằm dưới chân núi Cô Tô cũng ẩn chứa trong mình huyền thoại về những nàng tiên nữ. Chuyện kể rằng, thuở sơ khai của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô, dạo chơi, tắm giặt và đùa nghịch. Một hôm, các nàng chơi trò đứng trên đỉnh Cô Tô ném đá xuống chân núi. Đá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi con. Dòng suối tắm đổ xuống chảy luồn lách qua ngọn đồi đá tiên ấy. Từ đó, bên chân núi Cô Tô của vùng Thất Sơn hùng vĩ có suối và đồi tạo nét phong phú, thơ mộng.
Dulichgo
Qua nhiều thế kỷ, nhiều người tìm đến đây khẩn hoang mở đất. Với cái nắng cháy da của mùa hạn, cơn khát nước đến thiếp đi, trong cơn mơ, các cụ tổ đã nghe tiếng róc rách của suối, khi tỉnh giấc lúc bình minh, các cụ tổ tìm ra nguồn nước từ các khe đá của ngọn đồi. Dân làng mừng vui quá bèn đặt tên cho ngọn đồi là “Tuc Chup” – tiếng Khơme có nghĩa là nước chảy trong đêm, sau gọi là Tức Dụp. Từ ấy, ngọn đồi không dấu chân người đã mọc lên nhiều làng mạc, phum sóc.

Người dân trong làng đã coi Tức Dụp là ngọn đồi thiêng bởi vì nó đã mang lại cho dân làng nguồn nước của trời, giúp cho ruộng đồng, nương rẫy khô cằn này ngày càng xanh tươi, trù phú. Vào các ngày lễ hội, các già làng, sư sãi thường mang lễ vật đến cúng thần linh, trời đất để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc.

Ngọn đồi lịch sử

Không chỉ là ngọn đồi với nhiều truyền thuyết, Tức Dụp còn là ngọn đồi lịch sử với biết bao chiến công chống ngoại xâm: “Thất sơn hùng vĩ vô cùng, chiến công Tức Dụp sống cùng An Giang”.

Trong suốt thời gian dài từ những năm 30-40 của thế kỷ XX, Tức Dụp mang trong mình một ngọn lửa đấu tranh của cách mạng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhờ vào địa hình hiểm trở, thực dân Pháp không tìm thấy nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng và cũng không dám càng quét, truy lùng.

Từ năm 1960, Tức Dụp là căn cứ của Huyện uỷ Tri Tôn và Tỉnh uỷ An Giang, là cầu nối quan trọng đưa các binh đoàn miền Bắc vượt Trường Sơn qua Campuchia toả xuống khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Nơi đây đã nuôi dưỡng những nhân tố quan trọng, nhất là đào tạo, bồi dưỡng biết bao cán bộ nòng cốt trong thời kỳ đấu tranh nóng bỏng, trong cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Dulichgo
Sau Tết Mậu Thân 1968, bằng những cuộc không kích trực thăng và đạn pháo, quân đội Mỹ đã trút giận xuống Tức Dụp và các vùng lân cận. Tức Dụp đã gồng mình đội pháo, chịu bom với hàng ngàn tấn thuốc nổ, trong đó có các loại đạn pháo chuyên dùng có sức công phá dữ dội nhất, khiến cả 2.000 m2 đất của ngọn đồi không nơi nào không có dấu vết của bom đạn. Tấm áo thiên nhiên màu xanh của đồi Tức Dụp đã rụi tàn, Tức Dụp trơ trụi, trên mình không còn một sợi dây leo hay một màn rêu mỏng; chỉ duy nhất còn lại trong lòng ngọn núi những chiến sĩ cách mạng kiên trì bám trụ trong hang động, một lòng đội pháo chịu bom, quyết trụ lấy địa bàn chiến đấu.

Trong suốt 128 ngày đêm, quân địch với một lực lượng hùng hậu vẫn không thể thắng được ý chí chiến đấu kiên cường của quân dân ta. Chỉ tính riêng phương tiện chiến đấu, bom đạn, Mỹ đã mất vào ngọn đồi này hơn 2 triệu USD nên Tức Dụp có thêm tên gọi mới “Đồi hai triệu đô”. Về phía ta, sự tổn thất và hy sinh cũng là điều không thể tránh khỏi, nhưng các anh, các chị - những người ngã xuống ở ngọn đồi lịch sử này - đã để lại cho quê hương và cho Tổ quốc mai sau 8 chữ vàng: “Kiên cường bám trụ, giữ vững núi Tô” do Chính phủ trao tặng, rạng danh mãi mãi.

Màu xanh trở lại

Những năm tháng lịch sử khó khăn nhưng hào hùng đã qua đi, chiến trường ác liệt trước đây nay đã thay da, đổi thịt từng ngày, trở thành khu di tích nổi tiếng, đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm.

Không còn sự xơ xác, trơ trụi do chiến tranh tàn phá, Khu di tích Tức Dụp đã trải những lớp thảm xanh, có sự kết hợp hài hòa giữa núi đồi, công viên cây xanh, hồ nước thơ mộng, tiểu cảnh non bộ tạo nên một không gian dân dã nhưng không kém phần hiện đại cho Khu di tích.
Dulichgo
Tức Dụp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử kháng chiến cấp quốc gia và trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Đến Tức Dụp, du khách có thể tham quan những địa danh nằm trong quần thể di tích lịch sử đã được ghi nhận, gìn giữ, tôn tạo như: Hang C6 (có hội trường C6 với sức chứa hơn 150 người), Hang Quân y, Hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy, Hang của Ban Chỉ huy quân sự, Hang của Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, Dân y và Hang Tiên Nữ. Mỗi hang có một vẻ độc đáo với những khối đá đan xen muôn hình vạn trạng.

Bên cạnh đó là những công trình phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí được đầu tư kỹ lưỡng, bảo đảm phục vụ cho cuộc sống hiện đại tràn đầy sức sống nhưng không mất đi những giá trị về lịch sử của nơi này: Khu giải trí thể thao quốc phòng để bắn bia bằng đạn thật; khu vườn thú, đặc biệt có loài đà điểu châu Phi; khu dịch vụ giải trí như: Tàu lượn trên không, Thuyền hải tặc, Du thuyền mặt hồ, Câu cá sấu...; khu công viên hoa kiểng với những hàng điệp, hàng dương tươi tốt, đồi vạn tuế xanh um, nhiều loài hoa đa dạng sắc hương; khu thiếu nhi với các trò chơi dành riêng cho lứa tuổi... Du khách thỏa thích hóa trang thành đồng bào Tây Nguyên, bộ đội, du kích... và thưởng thức những món ăn đặc sản, những trò chơi dân gian của vùng Thất Sơn.

Đứng trên đồi Tức Dụp nhìn xuống cánh đồng ruộng xanh tươi mướt mát, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn bình an trước khung cảnh mênh mông tươi đẹp của làng quê yên bình. Dù chứa đựng bao hồi ức đầy mất mát, mảnh đất anh hùng này vẫn mạnh mẽ đâm chồi nảy lộc, vui sống và nỗ lực cho một cuộc sống mới tràn đầy hy vọng vươn lên.

Theo Anh Thư
Nguồn http://www.hochiminhnews.tk/
Núi Cô Tô – đồi Tức Dụp, huyền thoại và lịch sử
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top