Trong tất cả các lễ hội, tết, cưới hỏi, rượu hoẵng luôn có sẵn trên bàn tiệc của người La Chí. Dụng cụ chưng cất rượu hoẵng của người La Chí không khác nhiều so với các cộng đồng khác, bao gồm chảo nước, chõ đồ và chảo chưng cất, nhưng độc đáo là ở kỹ thuật ủ men, lên men tự nhiên cho rượu.
Men để ủ rượu hoẵng gồm có riềng củ, vỏ quế, ớt quả, thảo quả và một loại lá cây rừng gọi theo tiếng La Chí là mè phê la. Khi tất cả đã được tìm đủ, người ta sẽ thái nhỏ, giã nát rồi trộn lẫn chúng vào với nhau.
Kế đó là trộn gạo nếp vào giã tiếp cho nhuyễn đều trước khi nặn thành những viên tròn to cỡ chừng hạt gấc đem phơi khô thành men quả. Liều lượng từng vị khi làm men tùy thuộc sở thích của người uống.
Nguyên liệu nấu rượu hoẵng của người La Chí là gạo nếp nương, còn nếu là nếp cẩm thì rượu sẽ ngon hơn rất nhiều lần. Gạo được đãi sạch, ngâm thật kỹ cho mềm, vớt ra rá cho ráo nước sau đó đồ chín, tãi cho nguội rồi rắc men vào ủ trong chum hoặc thùng, đậy kín, sau khoảng 1 tuần là ngấu.
Dulichgo
Theo quy định từ xa xưa ở bản La Chí thì đàn bà, con gái uống rượu hoẵng bằng bát; còn đàn ông, con trai thì uống bằng sừng trâu. Trong các lễ cúng tổ tiên của người La Chí, thầy cúng bao giờ cũng vừa cúng vừa uống rượu bởi theo quan niệm của đồng bào nơi đây thì khi làm lễ thầy cúng uống rượu thì ma tổ tiên mới được uống.
Trong khi lớp trẻ hiện nay đua đòi theo các thứ rượu ngoài thị trường, thì những người lớn tuổi ở bản La Chí vẫn không quản ngại vất vả qua bao công đoạn để chưng cất thành rượu nhằm giữ nghề làm rượu hoẵng của người La Chí.
Theo Vinh Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét