728x90 AdSpace

MỚI NHẤT

12/6/16

Quán nhỏ giữa đồng, nét kiến trúc cổ ở xứ Đoài

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là một trong số ít những làng còn lưu giữ lại được những nét văn hóa, kiến trúc của làng Việt cổ, trong số đó có những ngôi quán nhỏ giữa đồng.

Lưu giữ phong tục làng

Bên cạnh những hình ảnh cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình đã quá thân quen trong mắt mỗi du khách khi tới làng cổ Đường Lâm thì nơi đây còn có những ngôi quán nhỏ nằm giữa cánh đồng. Khách du lịch tới làng thường ít để ý tới quán bởi thường không nghĩ quán chính là một phần không gian xưa cũ ngàn năm của Đường Lâm.

Trên các cánh đồng làng Mông Phụ hiện còn quán Biêu, quán Dô, quán Giang. Theo nghiên cứu của các nhà sử học và câu chuyện bên chén trà của người dân làng cổ, quán có hai chức năng chính: Thứ nhất là làm nơi nghỉ ngơi cho người nông dân sau những buổi đồng áng vất vả hoặc để trú chân những ngày mưa bão sấm sét bất ngờ đổ xuống; thứ hai là làm nơi quàn xác những người chết bên ngoài khuôn viên của làng.
Dulichgo
Ở làng Mông Phụ, xưa kia có tục tuyệt đối cấm đem xác người làng chết ở bệnh viện hay ngoài đường vào trong làng (và hiện nay dường như vẫn thế!). Chắc vì tập tục này mà một quán đã được xây gần địa giới phía đông của làng để quàn linh cữu của Thám hoa Giang Văn Minh chết khi đi sứ ở Trung Quốc. Quán đó ngày nay vẫn còn và được gọi là quán Giang.

Ông Kiều Văn An, 60 tuổi – một người dân ngồi nghỉ trước quán Giang nói: “Nơi tôi ngồi từng quàn thi hài cụ Giang Văn Minh, những ngôi quán có từ lúc lập làng, đã trải qua những biến cố, những thăng trầm của lịch sử cùng với ngôi làng để rồi vẫn được lưu giữ cho tới ngày nay”.

Những vị khách du lịch bước chân từ làng ra quán cảm thấy rất thú vị với những ngôi quán đong đầy câu chuyện lịch sử như vậy. Chắc chắn đã đặt chân tới xứ Đoài một lần, họ sẽ không thể quên những ngôi quán mang đậm nét văn hóa, lịch sử nơi đây.

Nét đặc sắc giữa đồng

Các ngôi quán giữa đồng ở Đường Lâm được thiết kế với bốn bề để trống đón gió, kiến trúc mang đậm lối thiết kế của làng quê Bắc Bộ xưa với tường làm bằng đá ong (một loại đá càng để lâu năm càng bền chắc, có rất nhiều ở Đường Lâm), dùng vữa hoặc hỗn hợp bùn trộn với trấu để kết dính các phiến đá lại với nhau.
Dulichgo
Nền quán được xây bằng gạch đất nung; cột, kèo và xà nhà được làm bằng gỗ lim rất vững chắc lại không có mối mọt. Mái được thiết kế với nhiều kiểu đa dạng nhưng đa phần có 2 loại chính là loại thoải dần xuống rồi cong lên ở bốn góc tạo cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng thường thấy ở các kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vật liệu chính của phần mái là loại ngói ri được xếp so le chồng lên nhau, lợi dụng lực ma sát để giữ cho mái không bị xô xuống.

Từ đường Quốc lộ 32 nhìn vào địa thế đất có các ngôi quán giữa đồng thấy có sự tinh tế của người xưa. Những ngôi quán nổi bật trên nền xám sẫm xa xa của dãy Ba Vì và là điểm nhấn giữa cánh đồng xanh mướt. Giá trị nghệ thuật, kiến trúc của nó nhanh chóng được các nhiếp ảnh gia và… các cặp uyên ương phát hiện để trở thành nơi chụp ảnh cưới khá nổi tiếng ở Đường Lâm. Hiện nay, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm và nhiều đơn vị đã cố gắng trùng tu những ngôi quán này để phần nào giữ lại được những đặc trưng của làng Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Những ngôi quán giờ đây đã có những dấu hiệu xuống cấp nặng nề. Năm 2006, làng cổ Đường Lâm được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, các ngôi quán nằm chơ vơ giữa đồng bắt đầu được quan tâm trùng tu.

Theo Kiều Dương
Quán nhỏ giữa đồng, nét kiến trúc cổ ở xứ Đoài
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top