728x90 AdSpace

MỚI NHẤT

11/6/16

Độc đáo bánh sừng bò người Mường

Đến xứ Mường là đến với những món ăn độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Người Mường có nhiều loại bánh mục, bánh ống, bánh dợm… nhưng bánh sừng bò có lẽ đặc biệt hơn cả.

Đến giờ các cụ cao niên người Mường, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn cũng chẳng ai biết loại bánh này có từ khi nào, chỉ biết rằng bánh đã được truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Mường. Đây không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn là lễ vật không thể thiếu trong nghi thức cưới, hỏi của đồng bào nơi đây. Bánh sừng bò thể hiện sự mạnh mẽ của người con trai núi rừng, khi nhà trai mang bánh đến nhà gái dạm hỏi, được nhà gái chấp thuận thì bánh được chia cho những người trong gia đình thưởng thức. Nhà gái đã ăn có nghĩa là đã đồng ý, hợp tình, gắn nghĩa.

Để làm món bánh sừng bò, người Mường phải chuẩn bị rất công phu, nhất là làm bánh trong lễ cưới hỏi. Các thành viên trong gia đình khéo tay hay làm được lựa chọn, phân công nhiệm vụ cụ thể từ người hái lá, chọn lá đến gói bánh, làm bánh.

Những người được chọn đi hái lá làm bánh phải có cuộc sống gia đình hạnh phúc, hòa thuận, lối sống hòa nhã, tình nghĩa. Lá gói bánh là lá chuối và phải chọn những cây chuối rừng chưa ai chặt, lá vẫn còn nguyên vẹn, cây phải xanh tốt, chưa ra hoa. Qua tấm lá gói bánh, người Mường mong muốn cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ cũng hạnh phúc viên mãn như tấm lá mướt xanh.
Dulichgo
Khi lá đã được hái xong thì khâu xếp từng ngọn lá cũng rất quan trọng. Phải  làm sao để lá không bị rách khi đi quãng đường dài về nhà. Những thao tác tưởng chừng đơn giản nhưng chỉ có các bà, các mẹ -  những người nhiều kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo mới có thể đảm đương. Những bó lá được cho vào gùi mang về để chuẩn bị cho công đoạn gói bánh. Lá được cắt thành từng miếng vừa gói. Trước khi gói, người dân thường phơi lá chuối ngoài nắng hoặc hơ qua lửa cho mềm để lá không bị rách, sau đó dùng khăn lau sạch trước khi gói bánh.

Nguyên liệu để làm bánh sừng bò là gạo nếp. Gạo phải trắng, thơm, dẻo. Không giống với các loại bánh thông thường của người Mường, bánh sừng bò không trộn lẫn các gia vị cũng như không có nhân ở bên trong.

Theo lý giải của các bậc cao niên, gạo nếp không pha trộn thể hiện sự trong trắng tinh khôi. Từ thời gian khó, miếng cơm không gới độn còn là mơ ước hàng ngày đến khi cuộc sống no đủ, sung túc đã hiện hữu, món bánh dân dã sừng bò vẫn luôn được các thế hệ người Mường xã Thượng Cửu yêu thích. Những ai đã có dịp thưởng thức bánh sừng bò đều dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm ngon, thuần khiết của bánh, bánh như quà tặng từ thiên nhiên. 
Dulichgo
Ngày nay, cuộc sống trên khắp các bản Mường đã có nhiều đổi thay nhưng người Mường ở xã Thượng Cửu vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống. Việc lưu giữ cách làm các loại bánh độc đáo của dân tộc cũng là một trong những hành động thiết thực bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Mường. Và để làm tốt hơn nữa cần những người con xứ Mường say mê với văn hóa dân tộc, cần sự cộng đồng của mọi người để lưu giữ những điều tốt đẹp cho mai sau.

Thanh Toàn
Độc đáo bánh sừng bò người Mường
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top