< Nông dân hái chè trên cao nguyên Bảo Lộc.
Câu nói quá đỗi quen thuộc của những người ưa sự dịch chuyển đã diễn tả được đặc điểm của vùng Tây Nguyên đầy nắng và gió, những cánh đồng thảo nguyên bạt ngàn, những dãy đồi chập chùng vô tận, những vườn trà, cà phê kéo dài hun hút tầm mắt. Vùng đất của sự bao la bát ngát này chắc chắn sẽ làm say lòng biết bao lữ khách đam mê khám phá.
Dulichgo
Một ngày đẹp trời, tôi tạm gác bỏ những bộn bề công việc, lấy xe máy và cho phép bản thân mình rong chơi lêu lổng vài ngày, tạm thoát khỏi những khói bụi mịt mù và đầy ắp tiếng ồn. Tôi hướng xe về cao nguyên Bảo Lộc, để nhìn lại những đồi chè trùng điệp, để trở lại thác Đămbri sau nhiều năm xa cách.
Vẫn như xưa, người nông dân vẫn đang miệt mài vun xới cho những cánh đồng chè mênh mông. Đămbri vẫn mạnh mẽ và hùng dũng như ngày đầu tôi đến, vẫn những bậc thang đã rêu phong theo dấu thời gian, vẫn ngọn thác ầm ầm đổ xuống một cách mãnh liệt. Hôm nay Đămbri khá tĩnh lặng, không ồn ào tiếng nói cười của du khách. Tôi nép mình lang thang quanh thác ngắm nghía chụp ảnh, rồi vu vơ tận hưởng một buổi chiều thật trong lành, mờ ảo trong sương khói bàng bạc của thác.
Đà Lạt đã trở nên quá quen thuộc, thế nên tôi chỉ tranh thủ ăn sáng và tiếp tục lên đường chứ không ở lại như mọi khi, hướng ra quốc lộ 27, thẳng đường lên Buôn Mê Thuột. Một cung đường vắng và đẹp như mơ. Tôi lao xe vun vút, băng qua những cung đường đèo uốn lượn nối tiếp nhau liên tục, những thung lũng bạt ngàn xanh đã hiện ra trong tầm mắt, những ngôi nhà nhỏ lấp ló đơn độc trên thảo nguyên bao la. Giữa đất trời lồng lộng, tôi thấy mình nhỏ bé hơn bao giờ hết, như một hạt cát mãi lăn trên sa mạc, cố gắng tìm hiểu những điều kì diệu của cả thế giới rộng lớn này.
Dulichgo
Trên đường đi tôi ghé vào tham quan hồ Lak, hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ 2 ở Việt Nam sau hồ Ba Bể. Đây còn là khu vực sinh sống của người M’Nong, tập trung ở buôn Jun và buôn M’Liêng. Dù đã được qui hoạch để phát triển du lịch, khách du lịch trong và ngoài nước đến khá nhiều, thế nhưng đồng bào người dân tộc ở đây vẫn còn giữ nguyên được bản chất hiền hòa, chất phác của mình. Cuộc sống còn khó khăn, nhưng qua cách nói chuyện tâm tình, tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt ấy một tia sáng hi vọng hướng về tương lai.
Đến Buôn Mê Thuột trong đêm, tôi chỉ đi loanh quanh chứ không khám phá gì nhiều, vì đã đến đây vài lần nên tôi cũng khá quen thuộc. Lời khuyên dành cho bạn khi đến Buôn Mê Thuột: đừng bỏ qua những địa điểm tham quan như nhà đày Buôn Mê Thuột, bảo tàng các dân tộc Việt Nam, làng cà phê Trung Nguyên, xa hơn thì có thác Dray Nu, Dray Sap, thác Gia Long, hang dơi..
Từ Buôn Mê Thuột, theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại – quốc lộ 14B, thẳng hướng về Kontum, lúc này tôi bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa của câu nói “hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến”. Thật sự là vậy, tôi đang đi trên một cung đường của hoa cỏ và bướm, hoa dại nở khắp lối đi, bướm bay khắp nơi ven đường, khí hậu trong lành mát mẻ. Không kiềm được cảm xúc, tôi đã dừng xe và chiêm ngưỡng hình ảnh tuyệt vời này. Cố gắng đưa máy ảnh lên để ghi lại những khoảnh khắc này, nhưng cái hồn của bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ ấy, tôi vẫn không làm cách nào để đưa vào một bức ảnh được.
Dulichgo
Trên đường, tôi ghé vào tham quan thủy điện Yaly, một trong những công trình thủy điện được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam. Ngang qua thành phố trên cao Pleiku, tôi ghé vào hồ T’Nưng, một trong những hồ nước ngọt đẹp nhất Tây Nguyên. Khi gió to thường có sóng lớn nên nơi này còn được gọi là Biển Hồ.
Tôi tới đây vào lúc mặt trời chuẩn bị xuống núi, rơi rớt lại những hạt nắng cuối cùng, trong ánh chiều vàng vọt ấy, Biển Hồ hiện lên thật đẹp và thơ mộng. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa gặt trổ những bông lúa vàng óng, lác đác một vài ngư dân thả lưới trên hồ, xa xa là đàn trẻ em đang giăng câu tìm chút niềm vui cuối ngày. Thật khó tìm đâu một cảnh tượng yên ả và bình yên hơn thế, nơi chỉ cách không xa thành phố Pleiku chưa đầy 10 km.
Tới Kontum, tôi ghé thăm nhà thờ gỗ, một nhà thờ khá cổ được xây vào năm 1913 theo kiến trúc Roman kết hợp với lối kiến trúc nhà sàn của người Bana, được xây dựng thủ công và hoàn toàn bằng gỗ, hiện nay được dùng làm nhà thờ chánh tòa Kontum. Một công trình kiến trúc rất đẹp nhờ vào sự kết hợp hài hòa của kiến trúc phương Tây và nét văn hóa Tây Nguyên.
Dulichgo
Từ Kontum lên thị trấn Plei Kần là một đoạn đường dài, thời tiết ở đây khá oi. Nhưng sở dĩ tôi phải đến nơi này vì muốn chinh phục một địa điểm mà dân du lịch bụi rất khao khát, đó là cột mốc biên giới ở ngã ba Đông Dương đặt tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đây là cột mốc chung của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi làm thủ tục và xin phép biên phòng, tôi được các anh hướng dẫn đường lên cột mốc.
Cột mốc nằm trên một ngọn núi, chung quanh là những ngọn đồi trọc cứ nằm chồng lên nhau liên tiếp không thấy điểm dừng, tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. Những gốc cây trơ trọi nằm chơ vơ khắp nơi, hoang vu nhưng đầy ấn tượng.
< Cột mốc chung của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Đứng cạnh cột mốc, lặng người đi trước cảnh tượng này, với một cảm xúc mà tôi chỉ có thể hét lên thật lớn, vang dội cả không gian, để cả ba nước cùng nghe thấy, cùng cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của tôi với vùng đất này.
Trên đường đi, hình ảnh các đồng bào dân tộc miền núi đang lang thang trên những cánh đồng, những con đường rừng giờ đã trở nên quen thuộc với tôi. Không khác gì so với đồng bào dân tộc ở vùng Tây Bắc, cuộc sống của họ vẫn còn vất vả và cơ cực, hi vọng rồi một ngày nào đó, với sự quan tâm thiết thực hơn từ phía chính quyền, đời sống kinh tế vật chất cũng như tinh thần của họ sẽ được cải thiện ít nhiều.
Những cung đường Tây Nguyên đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc. Những vùng đất tôi qua, những con người đã gặp, đều ghi dấu trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về sự hiền hòa mộc mạc của vùng đất cao nguyên này. Tôi đã có những ngày lang thang cùng gió và nắng thật tuyệt trong đời, nhất định sẽ còn quay lại. Tây Nguyên ơi, tôi hứa!
Theo Emdep
0 nhận xét:
Đăng nhận xét