728x90 AdSpace

MỚI NHẤT

11/6/16

Nghề làm nhà chòi trên biển

Người làm nghề dựng nhà chòi trên biển phải tính toán chính xác mực thủy triều, phải ngâm mình dưới nước, phải là thợ lặn giỏi.


Những năm đầu thập niên 2000, cư dân Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt đầu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Vì vậy, nhu cầu dựng nhà chòi để chăm sóc, canh giữ ngày càng tăng. Nhưng chỉ có những thợ mộc tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm mới dựng được nhà gỗ trên mặt nước biển.

Chúng tôi tìm đến tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc để theo chân thợ mộc Vy Thanh Đông ra biển. Hôm nay, có người thuê làm nhà chòi nên anh tranh thủ ra thăm chòi chăm rau câu chân vịt (rong sụn) của mình trước khi gọi anh em cùng đi làm.

Đường ra biển Cồn Chim khoảng một kilomet. Đây là vùng biển chuyên trồng rau câu kết hợp nuôi sò của người dân Cam Phúc Bắc. Anh Đông cho biết: "Ở đây nước không sâu lắm nên người dân vừa nuôi rau câu vừa nuôi sò. Nhưng mà bọn người trộm sò và rau câu ngày càng đông, bà con phải thuê tụi tui dựng nhà gỗ để vừa tiện phơi rau câu khi thu hoạch, vừa giữ sò khỏi bị kẻ gian lấy cắp".

Với chiếc xuồng nhỏ hai tay chèo, anh Đông đưa chúng tôi đi qua cả trăm ngôi nhà gỗ cắm cọc xuống biển. Mặt biển được rào chắn bằng cọc tiêu và lưới, làm thành những khu nuôi trồng thủy sản riêng lẻ. Cũng có đường cho xuồng đi lại, nhưng khách lạ như chúng tôi không biết đi lại cụ thể thế nào.
Dulichgo
Sau một hồi lênh đênh sóng nước, xuồng anh Đông tấp vào một nhà chòi anh vừa làm xong cho khách. Nhìn dàn cọc khá dày từ đáy biển nhô lên cùng sàn tre, cái chòi lợp tôn chắc chắn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết căn nhà này chỉ mình anh Đông làm.

Neo xuồng, leo lên bậc thang bằng những cây gỗ, cảm giác đầu tiên là căn nhà không hề lung lay. Dưới mái tôn, giữa gió biển mát rượi, anh Đông cho biết, dựng nhà trên biển khó hơn nhiều so với dựng nhà trên đất liền.

Đầu tiên, khi khách hàng đặt vấn đề dựng nhà, kíp thợ sẽ liệt kê những vật liệu cần dùng, nếu chủ đồng ý thì mua về tập kết bên bờ biển, từ những cây gỗ to bằng bắp đùi làm trụ cho đến tre nứa làm sàn cùng dây kẽm, đinh, bù loong... Kíp thợ dùng một cái bè lớn đưa hết vật liệu lên đó, chờ thủy triều xuống, lội nước kéo ra vị trí chủ nhà yêu cầu.

Kíp thợ vài người phân công mỗi người mỗi việc. Người thì đào hố trụ dưới nước, người kết sàn nhà... Nhưng nếu không có ai cùng làm thì một mình anh Đông vẫn tự tay hoàn chỉnh một nhà chòi trong vài ngày. Anh Đông kể, đào lỗ chôn trụ nhà là vất vả nhất, người thợ phải nắm bắt được mực nước thủy triều lên xuống, phải lặn xuống nước, nhiều nơi đào cát lên lại bị tuột xuống.

Nếu như dựng nhà trên đất liền thì tính toán và cưa sẵn cột cho từng vị trí, với nghề mộc dưới nước, không ai dám mạo hiểm làm việc ấy, vì không biết chắc độ nông sâu của biển, nền biển chắc chắn cỡ nào nên gỗ phải cùng độ dài. Rồi làm cách nào để trụ ngâm dưới nước biển không bị mục nhanh, chống được hà bám...

Những người thợ chuyên dựng nhà chòi trên biển như anh Đông đều ước tính được mọi thông số kỹ thuật trong đầu, không hề có một mẫu giấy hay bản vẽ. Xác định vị trí để đào lỗ dựng trụ xong, người thợ ngậm ống thở, lặn sát đáy biển, dùng xà beng cắm mạnh vào cát, dùng một loại máy (tận dụng máy xịt thuốc trừ sâu cho cây xoài) bắn hơi vào quanh xà beng, cát bay ra, tạo nên cái lỗ.
Dulichgo
Cứ thế lặp đi lặp lại thật nhanh để không bị cát và nước lấp cái lỗ sâu dần. Lỗ chôn trụ ít nhất phải sâu 0,7 mét đến 1,2 mét, nên chỉ những ai biết lặn và sức khỏe thật tốt mới có thể đào nổi vì phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ. Số lỗ đào tùy thuộc vào diện tích nhà chòi, nhưng trung bình phải từ 30 đến gần gấp đôi.

Để tăng tuổi thọ những trụ gỗ, người thợ phải ước lượng phần chân trụ bị ngập nước, dùng nhựa đường quét lên nhiều lớp rồi quấn lại bằng lưới ni lông. Nhờ thế mà có những nhà chòi trụ vững trên biển cả chục năm. Xong phần dựng trụ là khoan lỗ thật chính xác để nối trụ với cây giằng ngang bằng bù loong, tạo nên khung sườn vững chắc mới bắt tay vào làm sàn.

Tùy số tiền của khách mà thợ chọn vật liệu. Tiền vật liệu càng cao thì nhà chòi sử dụng càng lâu, chịu đựng được giông bão và biển động. Nhưng sàn chòi, cả phần nhỏ để ở, phần lớn là sân phơi, thường làm bằng tre lồ ô, vì nếu dùng gỗ sẽ tốn kém gấp nhiều lần. Theo anh Đông, nếu 3 người dựng 1 nhà chòi chỉ vài ba ngày là xong, còn một mình thì phải cả tuần.

"Những năm đầu vào nghề, cả nhóm 3, 4 người hợp lực dựng một nhà chòi đã không xuể, bây giờ, nhờ tích lũy được kinh nghiệm, anh em đều có khả năng làm một mình. Làm miết, quen tay rồi cái khó cũng thấy bình thường", anh Đông chia sẻ.

Nhưng anh Đông cũng cho biết, dù gắn bó suốt 10 năm, nghề làm nhà chòi vẫn bấp bênh. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở Cồn Chim có hạn, tức "đất xây nhà" cũng có hạn. Mấy năm trước, khi việc nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh nở rộ, anh Đông cùng em rể là Nguyễn Đường và bạn là Nguyễn Trung Kiên lập nhóm để dựng nhà chòi, việc làm không ngớt nhưng nay vịnh biển đã lấp đầy diện tích có thể nuôi trồng được, công việc thưa hẳn.
Dulichgo
Rồi 2 thợ trong nhóm không trụ được với nghề do phải ngâm mình dưới nước, tay chân bị "nước ăn", làm quần quật cả ngày cũng chỉ được 300 ngàn đồng tiền công. Mùa khô còn có việc làm, mùa mưa, những người thợ như anh Đông đều thất nghiệp.

Gia đình anh Đông có 4 người. Thuở nhỏ, anh được bố dẫn từ Phú Yên vô Cam Ranh sinh sống. Mải lo làm ăn, gần 40 tuổi anh Đông mới cưới vợ. Một mình lo cho cả nhà, thu nhập từ nghề mộc trên biển không thể trang trải đời sống gia đình.

Nhiều lần có ý định bỏ nghề để tập trung làm nghề khác có thu nhập ổn định, nhưng khi bà con nhờ dựng căn nhà chòi để kiếm kế sinh nhai, anh lại không nỡ từ chối. "Hai anh bạn tôi đã làm việc khác, khách nhờ, tôi không làm thì ở đây không còn ai làm, nên phải nhận lời", anh Đông tâm sự.

Công việc mưu sinh cực nhọc vậy, nhưng như anh Đông nói, nhìn những căn nhà chòi do mình làm vững chắc giữa sóng gió qua bao nắng mưa để giúp người dân nuôi sò, trồng rau câu, là niềm vui lớn nhất, là niềm động viên giúp người thợ mộc trên biển vượt qua bao khó khăn.

Theo Cao Khuyên
Nghề làm nhà chòi trên biển
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top