Cây trẩu còn có nhiều tên gọi khác là dầu sơn, mộc đu thụ, ngô đồng, thiên niên đồng... mọc nhiều ở khu vực Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Cây trẩu mọc hoang, sinh sống và phát triển ở những vùng đất khô ráo như trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Ở Việt Nam, cây trẩu được trồng ở nhiều nơi từ đồng bằng cho đến miền núi một số tỉnh như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Hoa nở rộ vào mỗi độ tháng 4 về.
Dulichgo
Trái trẩu to cỡ quả trứng, hơi nhọn đằng chỏm và tròn đằng cuống. Vỏ trái trẩu nhăn nheo, có lông tơ và bề mặt vỏ có những rãnh dọc ngang. Khi trẩu chín thì thường chuyển sang màu vàng. Mỗi trái thường có ba hạt, có hình bầu dục, sần sùi. Hạt trẩu được dùng để ép lấy dầu pha sơn, có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra, khô dầu trẩu còn được sử dụng làm phân bón, có tác dụng tương đương như thuốc trừ sâu.
Hoa trẩu, cái tên nghe có vẻ thô kệch, nhưng lại e lệ hé nụ dưới những chùm lá to bản màu xanh thẫm. Nếu hoa không mọc thành chùm để khoe hương lẫn sắc, hẳn đứng từ xa khó thể nào chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mong manh, dịu dàng của hoa trẩu. Nhờ có sự che chở của những tán lá rộng, vẻ đẹp nửa kín nửa rộ của hoa mới mang đến sự thích thú, tò mò cho du khách. Dulichgo
Tháng 4, về Bắc Bộ không quá khó để tìm ngắm hoa trẩu. Hoa nở khắp mọi ngả đường, từ bên hiên nhà của những bản làng thôn xóm đến cạnh những con đường mòn dẫn núi. Hoa nép mình bên những tán lá xanh rộng lớn, âm thầm kết nụ, âm thầm nở hoa, tỏa hương thơm quyến rũ làm mê đắm lòng người. Mùa hoa trẩu tháng 4 cũng là mùa của những phiên chợ tình yêu.
Theo Vĩnh Hy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét